02/10/2020 15:04  
Nguồn: CEIC, HSBC

Báo cáo Kinh tế khu vực châu Á quí 4-2020 của Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC mới đây nêu lên mối lo ngại về áp lực giảm phát đến nền kinh tế.

Theo đó, lạm phát toàn phần điều chỉnh nhẹ từ mức bình quân 4,2% trong nửa đầu năm 2020 xuống còn 3,2% trong tháng 8, dưới mức trần lạm phát 4% đặt ra.

Còn cập nhật mới đây từ Tổng cục thống kê, cho thấy chỉ số giá (CPI) bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, mức tăng này được ghi nhận là cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Mức tăng chủ yếu trong tháng 9 đến từ nhóm giáo dục (mùa tựu trường), giá điện sinh hoạt tăng, giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Còn xét trong tổng thể thì trong 9 tháng, CPI lĩnh vực ăn uống-thực phẩm là tăng mạnh nhất (11,27% so với cùng kỳ), trong khi lĩnh vực giao thông, văn hóa giải trí du lịch, bưu chính viễn thông lại giảm so với cùng kỳ.

Còn lạm phát cơ bản (CPI loại trừ lương thực-thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý) bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ.

Một trong những lý do giải thích là vì dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm.

Theo đó, doanh số bán lẻ khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Trong đó bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%, ngành vận tải kho bãi giảm 4%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 3,7 triệu tỉ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 3,6%. Quí 3 có sự cải thiện tích cực với mức tăng 14,4% so với quí trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Trong đại dịch Covid-19, doanh số bán lẻ - đại diện cho tiêu dùng tư nhân – được giới phân tích kỳ vọng sẽ hồi phục theo hình chữ V. Doanh số bán lẻ nội địa cũng là tiêu chí để đánh giá mức độ hồi phục của các nền kinh tế. Tuy nhiên, bộ phận phân tích của HBSC bình luận rằng trong 8 tháng qua thì mức phục hồi vẫn khá chậm.

Một trong những tác động của dịch Covid-19 là gây ra áp lực giảm phát lên nền kinh tế. “Do lạm phát đang giảm và chậm hơn dự kiến phục hồi, các chính sách hỗ trợ tiền tệ thêm nữa thật sự rất cần thiết”, báo cáo của HSBC nhận định.

Theo HSBC, làn sóng Covid-19 lần hai đã được ngăn chặn thành công chỉ trong vòng một tháng, giúp Việt Nam trở lại lộ trình phục hồi nền kinh tế mặc dù có thể ở tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu.

Tuy nhiên, điểm tích cực là các hoạt động kinh tế  đang phục hồi mạnh mẽ, lấy lại đà tăng thời kỳ trước dịch. Hoạt động xuất khẩu tăng hơn 7% trong tháng 7 và tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào kết quả tăng của những lô hàng máy tính, bù đắp cho sự giảm sút của các mặt hàng dệt may.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   Việt Nam   du lịch   dịch vụ   thực phẩm